Sau những thách thức, khó khăn của dệt may Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017, ngành hàng này đã có những tín hiệu vui… Thế nhưng, ngành này lại phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt với các nước láng giềng.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, tính đến hết quý 3-2017, kim ngạch xuất khẩu (XK) của toàn ngành đạt gần 23 tỷ USD. Dự báo kim ngạch trong quý 4-2017 có thể đạt 8 tỷ USD, nâng kim ngạch XK cả năm lên 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Nếu đạt được con số này, Việt Nam sẽ đứng vào hàng thứ 26 trong số các nước có kim ngạch XK lớn thế giới.
Có được kết quả này là nhờ việc các doanh nghiệp (DN) đã khắc phục được những khó khăn trong những tháng đầu năm; đầu tư cải thiện hệ thống sản xuất, tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường, khiến tình hình XK của ngành được cải thiện đáng kể. Việt Nam hiện có gần 6.000 DN dệt may và hơn 2,5 triệu người lao động trong lĩnh vực này.
10 năm qua, tốc độ phát triển của ngành này tăng 17%/năm. Tuy nhiên, năm 2016 được đánh giá là năm khó khăn nhất trong 10 năm qua, dự tính doanh thu chỉ đạt 29 tỷ USD. Dù đứng trong top 5 nước XK về dệt may trên thế giới nhưng Việt Nam hiện phải nhập khẩu khá lớn trong khâu nguyên phụ liệu may mặc, trong đó phụ thuộc lớn nhất vào thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ngành Dệt may đã có nhiều nỗ lực vượt khó
“Nhờ khoảng thời gian đầu năm 2017, ngành Dệt May Việt Nam đã có nhiều cải thiện, cố gắng hoàn thiện nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả ổn định, hợp lý nên đã nâng số lượng các nhà đầu tư đặt hàng”, đó là đánh giá của Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA). Việt Nam là nhà XK lớn thứ 2 sau Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ. XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong các lĩnh vực dệt may có thể tiếp tục tăng trong tương lai ngay cả khi không có TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương).
Nguồn hàng phong phú, đơn đặt hàng nhiều, dồi dào là những tín hiệu cho ngành hàng này của nước ta. Tuy nhiên, ở một thực tế khác, Việt Nam lại đối mặt với những khó khăn nhất là ở khâu đơn giá, vì hiện nhiều khu vực thị trường đang có xu hướng giảm sẽ tác động đến dệt may Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thị trường dệt may thế giới được dự báo sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ Trung Quốc mà nhiều nước khác như Myanmar, Campuchia… làm gia tăng áp lực lên thị phần với Việt Nam tại những khu vực lớn.
Ông Vũ Đức Giang, chuyên gia trong lĩnh vực dệt may Việt Nam cho rằng, yếu tố thiếu tính liên kết giữa các DN trong ngành với nhau đã làm cho tính cạnh tranh của ngành dệt, may gặp nhiều khó khăn. Thế nên, thời gian tới để đảm bảo XK bền vững, ngành cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi, có lựa chọn, tránh dàn trải. Đồng thời, không nên bỏ qua thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, xây dựng thương hiệu mới và các kênh tiêu thụ.
Nhiều chuyên gia cho biết, hiện các DN trong nước theo lĩnh vực dệt may đa phần là các DN vừa và nhỏ, thiếu về vốn, thiếu đầu tư, tiềm lực kinh tế yếu mà lại thiếu sự liên kết thế nên tính cạnh tranh không cao. Để nắm lấy cơ hội, ngoài đầu tư công nghệ, DN cần tiếp tục tăng tỉ lệ nội địa, hạn chế nhập khẩu, đào tạo bài bản cho các nhà thiết kế... Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, chỉ riêng mặt hàng vải, DN trong nước phải nhập khẩu tới 86% để phục vụ sản xuất và XK, do chất lượng vải trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường XK chính của dệt may.
Chuyên gia kinh tế Hoàng Minh Tiến nhận định, trước những khó khăn, thách thức đối với ngành dệt, may thì ngành cần phải thay đổi phương thức sản xuất sao cho phù hợp với những yêu cầu, tiêu chuẩn mà các quốc gia nhập khẩu yêu cầu. Bên cạnh đó, các DN cần phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới với năng suất cao hơn.
Hiệp hội Dệt May VN khuyến cáo các DN phải thích ứng với tình hình thị trường, chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng để giảm thiểu thiệt hại cho DN; tăng cường mở rộng thị trường nội địa với đa dạng hóa các mặt hàng để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Hotline