Ngành Dệt May Việt Nam hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD

Trang chủ / Tin tức

Tin tức

Ngành Dệt May Việt Nam hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD

Chiều 4/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã tổ chức họp báo để thông tin về hoạt động xuất, nhập khẩu của Ngành năm 2017 và chiến lược phát triển trong năm 2018.

Năm 2017, ngành Dệt May Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn, thách thức với áp lực của Hiệp định thương mại TPP bị dừng lại cùng với tình hình xuất nhập khẩu (XNK) dệt may cuối năm 2016 và đầu năm 2017 không thuận lợi. Từ quý II/2017, với quyết tâm cao và sự nỗ lực hết mình, ngành Dệt May Việt Nam đã từng bước ổn định, vượt qua thách thức, hoàn thành mục tiêu đề ra cho cả năm 2017. Dự báo, KNXK toàn Ngành trong 2 tháng cuối năm đạt 5,27 tỷ USD, nâng KNXK cả năm 2017 lên con số 31 tỷ USD, tăng trưởng 10,23% so với năm 2016. Trong đó KNXK hàng dệt may đạt 25,91 tỷ USD tăng 8,7% so với năm 2016; xuất khẩu vải đạt 1,07 tỷ USD giảm nhẹ 0,65%; xuất khẩu xơ sợi đạt 3,51 tỷ USD, tăng 19,93% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu NPL dệt may năm 2017 ước đạt 18,91 tỷ USD, tăng 11,43% so với năm 2016, cụ thể nhập khẩu vải đạt 11,2 tỷ USD, tăng 6,85%; nhập khẩu bông đạt 2,4 tỷ USD, tăng 44,35%; nhập khẩu xơ sợi đạt 1,76 tỷ USD, tăng 9,45%; nhập khẩu phụ liệu dệt may đạt 3,55 tỷ USD, tăng 10,35%. Giá trị thặng dư thương mại đạt 15,51 tỷ USD, tăng 7,15% so với năm 2016.

Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngành đã nỗ lực phát triển đa dạng hóa các thị trường và có sự bứt phá tại các thị trường khác như: Trung Quốc, Nga, Campuchia.... Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas cho biết, để có được những thành công trên là nhờ toàn Ngành đã vận dụng hết sức hiệu quả công nghệ quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là đã từng bước áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tinh giản bộ máy, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, đạt giá trị gia tăng cao hơn. Vitas đã nỗ lực hết mình trong việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo nghiệp vụ, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất, áp dụng các mô hình sản xuất thông minh theo xu hướng cách mạng 4.0 hướng tới nhằm đạt được sự phát triển bền vững trong Ngành. Đặc biệt, Vitas đã kiến nghị Chính phủ trong việc điều chỉnh cơ chế tiền lương, bảo hiểm, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, góp phần giảm bớt khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Về chiến lược đầu tư của Ngành, mặc dù đầu tư vào dệt may có sự sụt giảm rõ rệt trong khoảng thời gian cuối 2016, đầu 2017 do ảnh hưởng của TPP nhưng bắt đầu từ  quý II/2017, đặc biệt là quý IV thì dòng đầu tư vào dệt may đã có bước tăng trưởng rất tốt. Điều đó thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài vào chiến lược phát triển của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có tính ổn định, bền vững. Song song với các giải pháp cho phát triển xuất khẩu, toàn ngành cũng tập trung xây dựng các giải pháp cho phát triển thị trường nội địa, xây dựng các thương hiệu của thời trang Việt Nam.

Hotline